Sáng 9/11,ảnkhoahọcnếuNhànướcphảimualạidựánPPPkhônghiệuquảâm hôm nay Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Điều 3 dự thảo nêu nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm. Theo đó, dự án có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc UBND cấp tỉnh; đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư; có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM) băn khoăn với điều khoản này. Ông cho rằng nói về nguyên tắc, tiêu chí, song Điều 3 đơn thuần chỉ nêu các bước thủ tục. Trong khi để được áp dụng cơ chế đặc thù, những dự án này phải đáp ứng ba yếu tố là tính hiệu quả, hợp lý và cấp thiết.
Dẫn câu chuyện thực tế, đại biểu lo ngại khi có những dự án giao thông thực hiện bằng phương thức đối tác công - tư (PPP), tức trên cơ sở hợp đồng giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, được đánh giá là tuyến đường huyết mạch, nhưng lưu lượng xe quá ít, không đáp ứng nguồn thu. "Những dự án này sau đó đề nghị Nhà nước mua lại để giải cứu là lý do rất phản khoa học", đại biểu Nghĩa nói.
Trong khi đó, một số dự án giao thông BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) lại có lưu lượng xe quá nhiều, thậm chí quá tải. "Ai chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hiệu quả của những dự án này", đại biểu Nghĩa nói.
Cùng với đó, ông đề nghị nếu các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua danh mục các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết này, Ủy ban Kinh tế phải cam kết đã thẩm tra toàn bộ và khẳng định các dự án này hợp lý và cấp thiết, hiệu quả. "Còn nếu không, giao việc này cho Chính phủ quyết định danh mục các dự án", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) cũng băn khoăn với danh mục các dự án kèm theo dự thảo Nghị quyết chuẩn bị được Quốc hội bấm nút. Ông cho rằng không nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Ủy ban Kinh tế quá nặng nề với nhiệm vụ phải khảo sát, đánh giá và cam kết trước Quốc hội về những dự án này đảm bảo đủ các điều kiện.
Đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ ban hành những tiêu chí, điều kiện cho những dự án được áp dụng cơ chế. Khi đó, dự án nào hội đủ các điều kiện thì được áp dụng các quy chế đặc biệt, đặc thù. Chính phủ chịu trách nhiệm về việc công nhận danh mục dự án.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Thường trực Ủy ban Tư pháp) cho rằng việc xác định các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm rất quan trọng. Đây là cơ sở để xem xét, quyết định một dự án có thuộc diện được áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết hay không.
Cùng quan tâm đến danh mục các dự án, ông đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ những dự án nào đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí mà dự thảo nghị quyết đặt ra để được áp dụng cơ chế đặc thù.
Giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng ý với đại biểu việc cần rà soát lại về tính cấp bách, hiệu quả của những dự án được áp dụng cơ chế đặc thù. "Bộ sẽ làm việc với Ủy ban Kinh tế, báo cáo lại với Chính phủ và trình lên Thường vụ Quốc hội cho ý kiến", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, các dự án được đề xuất trong Nghị quyết này đã xác định xong, được chuẩn bị thủ tục đầu tư, bố trí nguồn vốn. Nếu Quốc hội cho phép, ông Dũng tin rằng sẽ triển khai rất ngắn thời gian. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng điều khoản mở, cho phép các địa phương tiếp tục đề xuất nếu chưa kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư.
"Trong quá trình thực hiện tới đây, các dự án mới phát sinh phải bám vào nguyên tắc, tiêu chí chúng ta xây dựng đáp ứng được mới báo cáo Chính phủ và Thường vụ Quốc hội quyết định thay vì chờ kỳ họp để trình Quốc hội", ông Dũng thông tin.